Trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh là căn bệnh hay gặp ở chị em phụ nữ độ tuổi sau 40. Bệnh lý này được hình thành do tình trạng suy giảm Estrogen của cơ thể. Trầm cảm trong giai đoạn mãn kinh gây ra một số biểu hiện tâm lý tiêu cực, do đó người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời bởi các bác sĩ tâm lý.
1. Độ tuổi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh
Mãn kinh là tình trạng sinh lý bình thường khi cơ thể phụ nữ suy giảm lượng nội tiết và chức năng buồng trứng. Khi bước vào thời kỳ mãn kinh phụ nữ không còn xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt và mất khả năng sinh sản tự nhiên. Dấu hiệu của mãn kinh là khi chu kỳ kinh nguyệt biến mất trong 12 tháng liên tục.
Độ tuổi mãn kinh tự nhiên rơi vào khoảng 45 đến 50 tuổi. Một số phụ nữ xuất hiện tình trạng mãn kinh trong độ tuổi 40, đây gọi là mãn kinh sớm. Ngược lại, những phụ nữ sau 55 tuổi mới mãn kinh được gọi là mãn kinh muộn. Tại nước ta, độ tuổi mãn kinh trung bình là khoảng 48.7 tuổi và xê dịch từ 47 đến 52 tuổi.
Năm 2006, tại Đại học Harvard, một nghiên cứu thực hiện trên 460 phụ nữ ở độ tuổi 36 – 45 tuổi chưa từng mắc trầm cảm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh tăng gấp đôi so với phụ nữ vẫn còn chu kỳ kinh nguyệt.
Khi bước vào giai đoạn mãn kinh, phụ nữ sẽ đối mặt với sự thay đổi tâm – sinh lý và nguy cơ mắc các bệnh lý do sự suy giảm Estrogen, tác động từ môi trường và tuổi tác,… Lão hóa và trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh là hai căn bệnh mà chị em thường xuyên gặp phải. Do đó, các thành viên trong gia đình cần phải quan tâm và cảm thông cho những thay đổi của bà, của mẹ.
2. Các biểu hiện của bệnh trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Trầm cảm là tình trạng biến đổi khí sắc, hành vi, tư duy, tình cảm. Trầm cảm ảnh hưởng đến cách ăn uống và sinh hoạt, cũng như cách suy nghĩ, nhìn nhận về mọi thứ xung quanh người bệnh. Bệnh trầm cảm có biểu hiện như tâm trạng chán nản lâu ngày, không quan tâm, thích thú trước các hoạt động từng yêu thích.
Các rối loạn trầm cảm chiếm khoảng 20% ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh. Tuỳ vào từng người mà các biểu hiện trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh thường có các mức độ khác nhau. Những người có tiền sử tâm lý không ổn định trước mãn kinh thì thường có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn. Các biểu hiện thường thấy của căn bệnh trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh:
- Thường xuyên thay đổi tâm lý, cảm xúc và hành vi: Buồn rầu, bực bội, khó chịu, cảm thấy uể oải, khó tập trung làm việc và kém tự tin; giảm nhiệt huyết…
- Giấc ngủ không chất lượng: Rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon và không sâu, thức dậy nhiều lần trong đêm.
- Ăn không ngon miệng: Ăn ít, không ngon miệng.
- Khó duy trì cân nặng: Sụt cân nhanh, giảm ham muốn tình dục, thường có hoang tưởng và ảo giác.
- Phụ nữ tuổi mãn kinh thường bị rối loạn thần kinh thực vật: Toát mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, tức ngực, gặp vấn đề về đường tiêu hóa, đầy hơi, khó tiêu,..
- Xuất hiện các triệu chứng về thần kinh và cơ…
- Ít chăm sóc bản thân và gia đình.
3. Nguyên nhân gây trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh là do mất cân bằng lượng hormone trong cơ thể, cụ thể là hormone nội tiết tố. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác gây nên tình trạng trầm cảm như:
- Mắc bệnh rối loạn vận mạch.
- Từng được áp dụng phương pháp điều trị hormone thay thế.
- Đã từng mắc bệnh trầm cảm và được chỉ định sử dụng thuốc chống suy nhược cơ thể.
- Rối loạn giấc ngủ cũng ở thời kỳ mãn kinh khiến phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao.
- Yếu tố gây bệnh tim mạch như: Hút thuốc, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, ít vận động, thừa cân, huyết áp cao, cholesterol xấu trong máu cao, tiểu đường,… có tác động đến nguy cơ mắc trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh.
- Gặp các vấn đề về xương khớp như loãng xương hoặc mới bị gãy xương.
- Suy giảm chức năng buồng trứng sớm.
- Áp lực cuộc sống hoặc gặp phải sang chấn tâm lý liên quan đến người thân, gia đình, hạnh phúc trong cuộc sống, công việc, sức khỏe.
- Triệu chứng của tiền mãn kinh như cơn bốc hỏa, khó ngủ, hồi hộp, đau nhức xương, trí nhớ giảm,… cũng là những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh.
Bài viết liên quan: >> Làm sao để điều hòa kinh nguyệt đều đặn?
4. Phương pháp điều trị trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Khi xuất hiện những dấu hiệu của trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh, người bệnh cần được tư vấn và điều trị kịp thời. Hiện nay, để điều trị hiệu quả căn bệnh này, giải pháp quan trọng được sử dụng đó là liệu pháp hormone thay thế. Tuy nhiên, liệu pháp điều trị này có thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm như bệnh ung thư.
Chuyên gia chia sẻ phương pháp điều trị trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Ngoài ra, phụ nữ ở mãn kinh cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, cần tăng cường tập luyện thể dục, tham gia một số môn vận động nhẹ nhàng như thiền, yoga. Ở độ tuổi này, phụ nữ cũng được khuyến khích tham gia các câu lạc bộ để tăng cường sự giao tiếp, chia sẻ; đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực, tránh tình trạng căng thẳng.
Nếu đã được chẩn đoán trầm cảm và chỉ định dùng các loại thuốc chống trầm cảm, người bệnh phải duy trì uống thuốc theo chỉ dẫn, không tự ý ngưng thuốc dù các triệu chứng trầm cảm đã suy giảm.
Trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh đang ngày càng có nguy cơ gia tăng. Nguyên nhân bởi sự thay đổi cảm xúc trong thời gian mãn kinh, cùng sự thờ ơ về những căn bệnh tâm thần trong xã hội hiện đại. Do đó, phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh cần được gia đình, người thân quan tâm, gần gũi và động viên để vượt qua giai đoạn khó khăn này.